Ở độ tuổi mầm non, việc giáo dục những kỹ năng sống cho trẻ là điều cần thiết để hình thành tính cách và thói quen tốt. Tại Cánh Diều PlaySchool, trẻ sẽ được học hỏi những kỹ năng gì, cùng theo dõi bài viết sau quý phụ huynh nhé!
Vì sao nên dạy cho trẻ các kỹ năng sống từ nhỏ?
Khi bắt đầu đi học, trẻ phải làm quen và tập thích nghi với môi trường mới cùng cuộc sống tập thể. Vì thế, trang bị các kỹ năng sống cho trẻ mầm non sẽ giúp trẻ vui chơi và dễ dàng hòa nhập, đồng thời hình thành được những thói quen và tính cách tốt.
Ở lứa tuổi này, trẻ học hỏi và tiếp thu nhanh, lại thích bắt chước các hành động của người lớn. Các giáo viên trường Cánh Diều luôn cố gắng, tạo điều kiện để dạy trẻ các kỹ năng cần thiết giúp các con tự lập từ sớm. Vậy nên, các phụ huynh thường phản hồi lại rằng các con đi học về ngoan ngoãn hơn, biết giúp đỡ ông bà bố mẹ và ai cũng vui vì sự thay đổi đó. Cùng xem trẻ được học gì ở nhà Diều nhé!
Các kỹ năng sống trẻ được học tại nhà Cánh Diều
1. Kỹ năng tự ăn, tự uống nước
Tự ăn là một kỹ năng sống quan trọng và cần thiết cho trẻ. Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng việc trẻ tự xúc cơm ăn sẽ tốt cho việc phát triển hành vi của trẻ nhỏ và hình thành nên thói quen có lợi cho sức khỏe. Nếu không học được kỹ năng này, trẻ sẽ luôn phụ thuộc vào người khác. Điều này tạo ra sự bất tiện cho trẻ và gia đình, đồng thời ảnh hưởng đến sự độc lập và tự tin của trẻ.
Tự ăn là kỹ năng mà các bạn nhỏ Cánh Diều ai ai cũng thành thạo
Việc luyện tập kỹ năng tự ăn, tự uống nước cho trẻ ở giai đoạn đầu thực sự rất khó khăn. Có trẻ đã được bố mẹ rèn kỹ năng này, nhưng với nhiều trẻ đi học từ khá sớm thì các con chưa biết tự ăn. Các giáo viên nhà Diều sẽ bắt đầu với việc hỗ trợ, sau đó luyện tập dần với muỗng, tiếp đó đến đũa. Sự cố gắng của các cô và nỗ lực từ phía trẻ giúp bữa ăn ngày càng gọn gàng, sạch sẽ. Ở Cánh Diều, ở những lớp nhỏ trẻ cần được hỗ trợ từ các cô, còn ở lớp lớn, trẻ đều tự ăn phần ăn của mình mà không cần sự trợ giúp.
2. Kỹ năng tự dọn dẹp đồ đạc
Học được cách dọn dẹp đồ đạc cũng là kỹ năng sống mà các giáo viên tại Cánh Diều luôn cố gắng hướng dẫn cho trẻ. Kỹ năng này giúp xây dựng nên thói quen chỉn chu, ngăn nắp sau này.
Trẻ ở độ tuổi này rất ham chơi, trẻ thường bày bừa đồ chơi lung tung, bố mẹ hoặc người thân sẽ là người dọn dẹp, sắp xếp lại đồ chơi đúng chỗ. Lâu dần khiến trẻ hình thành suy nghĩ chỉ cần mình bày bừa ra là có người dọn, điều này là không nên. Thêm nữa, nếu trẻ không tự dọn dẹp, trẻ có thể sống trong môi trường lộn xộn, không an toàn và thiếu khả năng tổ chức cuộc sống của mình.
Bắt đầu từ những việc nhỏ như để dép đúng nơi quy định, dọn dẹp đồ chơi về đúng chỗ hay tự cất chén bát sau khi ăn,… Lúc đầu trẻ chưa tự làm được, các cô sẽ hỗ trợ và sau khi trẻ quen, các cô để trẻ tự làm. Điều này giúp trẻ có tác phong gọn gàng sạch sẽ và có ý thức hơn trong cuộc sống.
3. Kỹ năng giao tiếp ứng xử với mọi người
Trẻ độ tuổi mầm non thường bắt chước các lời nói, hành động của người lớn. Lý do có thói quen như thế bởi vì ở giai đoạn này trẻ chưa có nhiều nhận thức sâu sắc về các sự kiện, hoạt động diễn ra xung quanh. Vì vậy, để làm gương cho trẻ, các giáo viên luôn chú ý lời nói, hành động để trẻ bắt chước theo các thói quen tốt, tránh các thói hư tật xấu, nếu có các cô cũng giúp trẻ chấn chỉnh ngay.
Các giáo viên hướng dẫn kỹ năng này cho trẻ thông qua lời ăn tiếng nói hằng ngày, các câu chuyện kể hoặc đóng vai tình huống, ví dụ như khi nhận đồ vật trẻ biết nói cảm ơn, khi làm sai biết xin lỗi, khi gặp người lớn trẻ biết chào hỏi lễ phép,… Khi làm đúng luôn động viên, khích lệ đúng cách, từ đó trẻ biết vâng lời và học được cách giao tiếp, ứng xử đúng mực.
Biết giao tiếp cũng giúp trẻ dễ dàng kết bạn, phát triển mối quan hệ với mọi người, tự tin hơn…
Biết giao tiếp, trẻ lắng nghe và truyền tải thông tin cho người khác, bày tỏ mong muốn của mình một cách đúng đắn mà không than vãn hay mè nheo ăn vạ. Biết giao tiếp cũng giúp trẻ dễ dàng kết bạn, phát triển mối quan hệ với mọi người, tự tin hơn,… Bởi vậy mà các bạn trẻ nhà Cánh Diều luôn được cô khuyến khích trình bày trước mọi người, các con cũng mạnh dạn nói chuyện, trao đổi ý kiến với bạn bè, mọi người xung quanh.
4. Kỹ năng phòng tránh nguy hiểm là điều cần thiết
Kỹ năng này cần được dạy trẻ càng sớm càng tốt và liên tục nhắc đi nhắc lại để trẻ nhớ. Điều này là cần thiết vì hiện nay cuộc sống có nhiều điều nguy hiểm bất ngờ xảy ra, nếu trẻ học được cách tự bảo vệ bản thân thì sẽ tránh được trường hợp đáng tiếc.
Dạy trẻ các tình huống hoặc các đồ vật có thể gây nguy hiểm như đồ chơi không an toàn, vật nhọn, hay các nguy cơ khác như lửa, điện,… Đưa ra các tình huống giả định như có cháy thì hướng dẫn trẻ phải xử lý như thế nào, gặp người lạ rủ đi chơi thì nên cầu sự trợ giúp từ ai. Hướng dẫn trẻ học thuộc một vài thông tin liên lạc như số điện thoại của bố mẹ hoặc địa chỉ nhà,… Các giáo viên luôn chủ động, kiên nhẫn hỗ trợ trẻ phát triển kỹ năng này bởi nó thật sự cấp thiết.
Tại hai cơ sở của nhà Cánh Diều đều có cầu thang, nhiều bậc phụ huynh phản hồi rằng khá lo lắng và cảm thấy nguy hiểm khi để trẻ tự đi. Tuy nhiên, các giáo viên luôn theo sát trẻ, các cô luôn dặn dò trẻ phải cẩn thận, không đùa giỡn khi lên xuống cầu thang. Thêm vào đó, lên xuống cầu thang cũng là một cách luyện tập kỹ năng phòng tránh nguy hiểm cho trẻ. Cánh Diều cho rằng, việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp trẻ có phản xạ tự bảo vệ, tăng cường sự nhạy bén trong việc phát hiện và tránh nguy hiểm.
5. Kỹ năng chia sẻ và giúp đỡ mọi người
Bất cứ ai cũng mong trẻ lớn lên trở thành một người biết sẻ chia, tốt bụng và giàu lòng nhân ái. Để làm được điều đó thì ngay từ nhỏ, người lớn phải làm tấm gương để trẻ noi theo. Hiểu điều ấy, các cô giáo luôn gương mẫu để trẻ nhìn và học theo. Bởi các giáo viên đều hiểu rằng, nếu không học được kỹ năng này, trẻ có thể trở nên ích kỷ, không quan tâm đến người khác, thiếu khả năng cảm thông và không thể đưa ra sự hỗ trợ đối với người khác trong thời điểm cần thiết.
Trẻ được học cách sẻ chia và giúp đỡ bạn bè
Các cô dạy trẻ các chia sẻ với người khác, ví dụ như đồ ăn nước uống, giúp đỡ các việc nhỏ vừa sức như dọn dẹp bát đũa sau khi ăn, lau dọn bàn ghế,… Và nếu thấy bạn bè gặp khó khăn, các cô cũng gợi ý trẻ cách chủ động an ủi, động viên bạn. Những điều này là cách để trẻ hình thành thói quen chia sẻ khó khăn, tương trợ người gặp khó, từ đó trẻ có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống.
6. Kỹ năng nhận lỗi, không nói dối
Khi trẻ làm sai một điều gì đó và bị bố mẹ, người thân la mắng, trẻ hình thành tâm lý sợ hãi, lo lắng, từ đó sinh ra nói dối. Ngoài ra trong nhiều trường hợp, trẻ nói dối do nhầm lẫn thông tin hoặc học từ người lớn.
Nếu không học được kỹ năng này thì trẻ sẽ không biết cách chịu trách nhiệm cho hành động của mình, mất lòng tin của người khác và mối quan hệ bị ảnh hưởng. Việc khuyến khích và hỗ trợ trẻ phát triển kỹ năng này là quan trọng để xây dựng sự trung thực, trách nhiệm và đạo đức trong trẻ.
Hiểu được điều đó, các giáo viên luôn là tấm gương sáng để trẻ học hỏi, thường xuyên trò chuyện, khuyến khích trẻ nói ra suy nghĩ của mình. Nếu trẻ mắc lỗi, đầu tiên các cô động viên trẻ thừa nhận lỗi, sau đó là xin lỗi chân thành. Trong quá trình này, giáo viên sử dụng kỹ năng chuyên môn cùng với sự kiên nhẫn, lời lẽ nhẹ nhàng để khuyên nhủ, giúp trẻ không cảm thấy xấu hổ hay tức giận.
Hoạt động trong lớp cũng có nhiều hoạt động như đóng kịch, kể chuyện,… Các câu chuyện liên quan đến nói dối và tác hại, từ đó giáo dục trẻ không nên nói dối.
7. Kỹ năng tham gia giao thông an toàn
Tham gia giao thông an toàn là kỹ năng sống mà trẻ sẽ được học tại Cánh Diều. Các con được học cách:
- Luôn đi bộ trên vỉa hè
- Biết cách nhận biết đèn tín hiệu giao thông.
- Chỉ sang đường khi đèn xanh dành cho người đi bộ.
- Khi băng qua đường, hãy quan sát cẩn thận và giơ tay xin đường.
- Nếu có nhiều phương tiện giao thông trên đường, hãy dạy trẻ đợi ai đó qua đường để có thể đi cạnh họ.
Tham gia giao thông an toàn là kỹ năng sống mà trẻ sẽ được học tại Cánh Diều
Trước khi đi sâu vào việc rèn luyện kỹ năng, các giáo viên thường làm các mô hình để giải thích rõ cho trẻ những kiến thức chung về luật giao thông. Các mô hình, các tình huống mô phỏng thường gần gũi, dễ hiểu như: một vài biển báo giao thông, các tín hiệu đèn, quy định khi đi bộ, đi xe máy hay ô tô,…
Luôn kiên trì dạy dỗ và hướng dẫn là điều mà các giáo viên làm hằng ngày để trẻ có thể hình thành được ý thức tham gia giao thông đúng quy định. Điều này bảo đảm an toàn cho bản thân và cả người khác.
Đầu tư và quan tâm đến việc phát triển kỹ năng sống là đòn bẩy quan trọng để tạo nên một tương lai tươi sáng cho trẻ. Hiểu điều đó, Cánh Diều PlaySchool luôn cố gắng, nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất để trẻ học và thực hành những kỹ năng ấy. Để tìm hiểu thêm về những phương pháp rèn luyện kỹ năng hiệu quả cho con, bố mẹ có thể liên hệ qua địa chỉ:
Văn phòng Cánh Diều Playschool cơ sở 1: 288 Nguyễn Văn Linh, P.Bình Thuận, Quận 7, TPHCM
Hotline: (028) 3771 8377
Website: http://canhdieu.edu.vn/
Mọi thông tin của quý phụ huynh sẽ được tiếp nhận và tư vấn một cách nhanh chóng, cụ thể nhất.