DIỄN KỊCH GIÚP PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG NGÔN NGỮ CỦA TRẺ
Ngôn ngữ là phương tiện quan trọng trong việc giao tiếp. Cũng vì thế mà nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng khi con mình có dấu hiệu bị chậm nói, nói ngọng, phát âm không mạch lạc. Ngôn ngữ giúp trẻ bày tỏ nhu cầu của chúng, diễn tả tâm trạng hay sở thích của chúng, giúp chúng giao tiếp, bày tỏ quan điểm và học hỏi. Thế nên sẽ rất có lợi nếu khả năng ngôn ngữ ở trẻ phát triển tốt.
Giáo dục ngôn ngữ ở trẻ vì thế mà được chú trọng hơn. Nói chuyện với trẻ nhiều hơn, đọc sách cùng trẻ hay kể truyện cho trẻ là những cách thức đơn giản giúp trẻ quen với cách phát âm sao cho đúng, cách dùng từ tùy vào ngữ cảnh hay cách biểu đạt tâm trạng bằng lời nói.
Ngôn ngữ luôn là yếu tố thiết yếu trong giao tiếp
Có một hình thức quen thuộc nhưng lại có tác động rất tích cực tới khả năng ngôn ngữ của trẻ đó là diễn kịch.
Khi trở thành nhân vật trong một câu chuyện, được tham gia vào diễn biến của câu chuyện ấy, trẻ ban đầu sẽ cảm thấy thích thú. Nhờ vào những lời thoại của vở kịch, trẻ sẽ tập tành nói chuyện mạch hơn, làm quen được với cách xây dựng câu cú, cách sắp xếp chủ vị, phân biệt được động từ tính từ, và nhất là định hình được trong đầu trẻ những thói quen tốt trong giao tiếp, như dạ thưa với người lớn, nhẹ nhàng với em nhỏ và hòa nhã với bạn bè.
Ngôn ngữ cơ thể chính là điểm nhấn của một vở kịch
Để đạt được điều đó thì người lớn khi đưa lời thoại vào kịch bản cần chú ý đến câu chữ, hạn chế những từ như “mày, tao”, tránh những lời thoại dài dòng, tránh những từ ngữ quá trừu tượng nhưng nên sử dụng những từ láy đơn giản và nên có một vài câu theo dạng so sánh.
Diễn kịch không chỉ là nói, mà đòi hỏi người diễn phải sử dụng cả cơ thể để tạo ra ngôn ngữ. Khi vui thì sẽ cười hét, nhảy lên sung sướng. Khi buồn thì khóc hoặc dáng điệu thất thiểu. Hoặc khi đói bụng thì ngồi thu lu xoa xoa lấy bụng. Nhờ những hoạt động ấy, trẻ sẽ được rèn luyện để trở nên năng động hơn, linh hoạt hơn và tăng năng lực sáng tạo.
Đồng thời, khi hóa thân thành một nhân vật, trẻ có có cơ hội tìm hiểu về xuất thân, hoàn cảnh, tính cách của nhân vật, từ đó trẻ sẽ tự động hình thành những đồng cảm với nhân vật, khơi gợi trí tưởng tượng để tạo lập cảm xúc cho bản thân và lựa chọn cách diễn cho nhân vật của mình.
Khi được tạo điều kiện đứng trước đám đông, giao tiếp trước đám đông và bộc lộ mọi cảm xúc trước đám đông, trẻ sẽ có được sự tự tin, nhờ thế mà dễ dàng biểu lộ cảm xúc, bày tỏ quan điểm và tư duy nhanh nhạy hơn.
_Team Cánh Diều_